Tạm ngừng kinh doanh là một trong những lựa chọn của chủ doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh không mang lại hiệu quả cao, thay vì việc giải thể doanh nghiệp thì tạm ngừng kinh doanh vẫn là lựa chọn chiếm được ưu thế cao. Để việc tạm ngừng kinh doanh có hiệu quả và đảm bảo được lợi ích của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp cần nắm bắt những quy định của pháp luật về tạm ngừng kinh doanh.
Quy định của pháp luật về tạm ngừng kinh doanh
1. Quy định về tạm ngừng kinh doanh trong Luật doanh nghiệp
Khi muốn tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần phải thực hiện họp Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên và ra những văn bản liên quan gồm:
- Biên bản họp của Hội đồng thành viên/ Hội đồng quản trị công ty
- Quyết định tạm dừng kinh doanh của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty
Sau khi có những văn bản trên doanh nghiệp lập “Thông báo tạm ngừng kinh doanh” theo mẫu.
Lưu ý :
- Thông báo tạm dừng kinh doanh được gửi tới cho cả cơ quan thuế và Phòng đăng ký kinh doanh. Cơ quan thuế sau khi tiếp nhận thông báo tạm dừng kinh doanh sẽ xem xét và chốt số thuế còn thiếu cho doanh nghiệp.
- Thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi trong thông báo không được quá 1 năm. Sau khi hết thời hạn như đã thông báo, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì cần thông báo tiếp tới cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên tiếp không được quá 2 năm.
2. Quy định về tạm ngừng kinh doanh trong luật thuế
2.1 Quy định của Luật quản lý thuế về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Quy định về thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
– Đối với người nộp thuế thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh ở cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng hoạt động kinh doanh chậm nhất không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về nghĩa vụ thuế còn nợ với ngân sách nhà nước của người nộp thuế chậm nhất không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Đối với người nộp thuế thuộc đối tượng đăng ký cấp mã số thuế trực tiếp trên cơ quan thuế thì trước khi tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế cần phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Nội dung thông báo gồm có:
- Tên, địa chỉ trụ sở, mã số thuế;
- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh;
- Lý do tạm ngừng hoạt động kinh doanh;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh, của chủ hộ kinh doanh.
2.2 Quy định về thuế môn bài:
– Đối với người nộp thuế có thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh cả năm dương lịch (01/01-31/12) không phải kê khai, nộp thuế môn bài đối với năm dương lịch tạm ngừng kinh doanh. Nếu người nộp thuế ra kinh doanh trước thời hạn trong 6 tháng đầu năm nộp mức thuế môn bài của cả năm; nếu người nộp thuế ra kinh doanh trong 6 tháng cuối năm nộp 50% mức thuế môn bài của cả năm.
– Đối với người nộp thuế có thông báo tạm ngừng kinh doanh 12 tháng, không trùng với năm dương lịch (tức thời gian tạm nghỉ kinh doanh kéo dài trong 2 năm dương lịch) thì thực hiện kê khai, nộp thuế môn bài cả năm của năm dương lịch thứ 1. Đối với năm dương lịch thứ 2, nếu người nộp thuế ra kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nộp mức thuế môn bài của cả năm; nếu người nộp thuế ra kinh doanh trong 6 tháng cuối năm nộp 50% mức thuế môn bài của cả năm.
Lưu ý khi tạm ngừng kinh doanh:
- Khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế theo quy định của pháp luật.
- Nếu hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Đối với trường hợp người nộp thuế ra kinh doanh trước thời hạn theo thông báo tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp đồng thời thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.
Doanh nghiệp muốn tạm ngừng kinh doanh cần tuân thủ tốt những quy định trên, để đơn giản hóa thủ tục, chủ doanh nghiệp hãy liên hệ tới Everestlaw để được tư vấn và cung cấp dịch vụ xin tạm ngừng kinh doanh.