Với các doanh nghiệp mong muốn quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình trên xe ô tô ở thời điểm trước năm 2013, đều phải làm hồ sơ xin giấy phép quảng cáo trên xe ô tô tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nhưng từ năm 2013 trở đi, thủ tục này bị bãi bỏ là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp trong quảng bá thương hiệu trên phương tiện giao thông nói chung và xe ô tô nói riêng
Từ năm 2013 trở đi, việc cấp giấy phép quảng cáo trên xe ô tô đã bị bãi bỏ theo quy định của Luật quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Thay vào đó, trong quá trình triển khai việc quảng cáo trên xe ô tô, tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo điều 32 của Luật quảng cáo, cụ thể là:
Quy định về quảng cáo trên xe vận tải
“Xe cá nhân, xe tư nhân được quyền quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của chính mình, căn cứ khoản 5, khoản 7 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 về Giải thích từ ngữ, khoản 1 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012 về Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền tự mình quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của chính mình, có quyền quyết định hình thức và phương thức quảng cáo. Tuy nhiên, cần lưu ý quảng cáo phải tuân thủ quy định tại Điều 32 Luật Quảng cáo về Quảng cáo trên phương tiện giao thông đối với các mặt quảng cáo, kích thước cho phép:
1. Không được quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông.
2. Quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.
3. Thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng quảng cáo của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Quy đinh về quảng cáo trên xe ô tô, xe vận tải
Quảng cáo trên xe vận tải, xe ô tô thế nào là đúng luật?
Từ ngày 5/5/2017, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 20/3/2017 sẽ có hiệu lực. Theo đó, quảng cáo trên các phương tiện giao thông không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng...
Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Cụ thể, Điều 61 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP nêu: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông; Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.
Nghị định cũng nêu rõ, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
“Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông. Điều này nhằm giúp các cơ quan Nhà nước có thể thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát các phương tiện tham gia giao thông khi có hành vi vi phạm xảy ra”