03
Quy định mới về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài năm 2016
- 1509 lượt xem
- 0 bình luận
- 09:16 27/03/2017
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong nước, nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến việc cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, ngày 03/02/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2016/NĐ-CP (“Nghị định số 11”) quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Và nghị định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2016 và có nhiều nội dung mới nổi bật liên quan tới Giấy phép lao động cho người nước ngoài. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nghị định này, chúng tôi có một số phân tích dưới đây.
Quy định mới về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài năm 2016
1.Quy định rõ khái niệm về chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành:
Bên cạnh các khái niệm về vị trí công việc hiện tại, tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP (Nghị định 11) bổ sung thêm khái niệm đối với vị trí khác mà người lao động nước ngoài đảm nhiệm.
Người lao động nước ngoài được xem là chuyên gia đáp ứng 1 trong 2 điều kiện: Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài; Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc ở Việt Nam; trường hợp đặc biệt sẽ do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp người lao động nước ngoài được xem là nhà quản lý, giám đốc điều hành: Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức; Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
2. Bổ sung những trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Ngoài một số trường hợp theo quy định cũ, Điểm e Khoản 2 Điều 7 Nghị định 11 bổ sung trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ở vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 1 năm thì không cần đề nghị cấp giấy phép lao động.
Đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động, người nước ngoài vẫn cần phải có giấy xác nhận của Sở Lao động Thương Binh và Xã hội. Thời hạn xác nhận không thuộc trường hợp cấp giấy phép lao động là tối đa không quá 2 năm và theo thời hạn của một vài trường hợp cụ thể. (Nghị định cũ không quy định rõ thời hạn).
3. Quy định chi tiết về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
Theo Nghị định 11 quy định chi tiết về giấy chứng nhận sức khỏe phải có giá trị trong thời hạn 12 tháng, tính từ ngày ký kết luận sức khỏe, và vẫn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động.
Đồng thời trong Điều 10 Nghị định 11, hồ sơ đề nghị cấp giấp phép lao động phải có phiếu lý lịch tư pháp hay văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú ở Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp. Những văn bản này được cấp không quá 6 tháng kể từ ngày cấp tới ngày nộp hồ sơ.
4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với những trường hợp đặc biệt
So với quy định cũ, Nghị định 11 bổ sung Khoản 8 Điều 10 về hồ sơ đối với những trường hợp đặc biệt như: Đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động; Đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm khác vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật tuy nhiên không thay đổi người sử dụng lao động; Đã được cấp giấy phép lao động nhưng hết hiệu lực theo quy định trong Điều 174 của Bộ luật Lao động mà có nhu cầu tiếp tục làm việc cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động; Đã được cấp giấy phép lao động theo một số trường hợp trên căn cứ vào quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP.
5. Trường hợp cấp lại giấy phép lao động
Nghị định 11 bổ sung tại Điều 13 nếu Giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày thì sẽ được cấp lại. (Quy định cũ không có trường hợp này).
Để biết thêm thông tin chi tiết, quý khách vui lòng liên hệ dịch vụ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài của Everestlaw ngay hôm nay để được hỗ trợ tốt nhất.