Cũng giống như các loại hình công ty khác khi tiến hành thủ tục thành lập công ty cổ phần, quý khách cần lưu ý một số vấn đề sau:
Lưu ý trước khi thành lập công ty cổ phần
Số lượng cổ đông sáng lập: Để thành lập công ty cổ phần phải có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập, nên nếu công ty quý khách dự định thành lập không đủ số thành viên cần tìm thêm thành viên hoặc chuyển sang thành lập loại hình công ty TNHH.
Xác định ngành nghề kinh doanh
Xác định ngành nghề kinh doanh cho công ty là việc làm rất quan trọng vì ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh thông thường, ở một số ngành nghề, các nhà đầu tư còn phải xin thêm giấy phép kinh doanh, phải có chứng chỉ hành nghề, hoặc phải đáp ứng thêm một số điều kiện đặc thù của ngành nghề đó mà pháp luật quy định. Hiện nay pháp luật quy định ba loại ngành nghề kinh doanh chính mà đòi hỏi nhà đầu tư phải thỏa mãn thêm một số yêu cầu đối với việc đăng ký kinh doanh, đó là:
Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Với các ngành, nghề hoạt động kinh doanh có điều kiện thì tùy từng ngành, nghề kinh doanh mà công ty sẽ được yêu cầu như:
Xin giấy phép kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho ngành nghề kinh doanh đó.
Ví dụ: Đối với ngành sản xuất phim, công ty phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Cục Điện ảnh cấp trước khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh
Đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định về phòng cháy, chữa cháy, trật tự xã hội, an toàn giao thông và quy định về các yêu cầu khác…
Ví dụ như kinh doanh nhà hàng, vũ trường, karaoke…
Các ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định
Theo Luật doanh nghiệp 2014 đã bỏ việc xác định vốn pháp định với mục đích hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, đối với từng ngành nghề cụ thể vẫn quy định rõ về vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp. Đặc điểm của vốn pháp định:
– Vốn pháp định ở Việt Nam được xác định theo từng ngành, nghề kinh doanh cụ thể, không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp;
– Việc quy định mức vốn vốn pháp định cụ thể ở Việt Nam chủ yếu được xác định thông qua các văn bản dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành
Ví dụ như kinh doanh bất động sản, dịch vụ đòi nợ, các nhà đầu tư phải chuẩn bị văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Các ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.
Ví dụ như kinh doanh dịch vụ pháp lý, kiểm toán, kế toán, thì tùy theo từng loại hình công ty mà chủ sở hữu hoặc người quản lý công ty phải có chứng chỉ hành nghề.
Do đó, việc xác định ngành nghề kinh doanh là rất quan trọng cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải chắc chắn rằng mình có thể thỏa mãn các điều kiện pháp lý để có thể xin được giấy chứng nhận đăng ký kinh.
Xác định nguồn vốn điều lệ
Các nhà đầu tư cũng cần xác định rõ loại tài sản nào mà nhà đầu tư sẽ dùng để góp vốn thành lập công ty. Riêng đối với tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì cần phải được các chuyên gia, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp để xác định giá, làm cơ sở cho việc góp vốn và hạch toán kế toán, thuế, báo cáo tài chính của công ty.
Các nhà đầu tư cần thiết phải trao đổi với nhau để thống nhất phương thức định giá và tổ chức định giá trước khi thành lập công ty hay thậm chí là tự thỏa thuận định giá với nhau – và có thể đưa vào trong hợp đồng hoặc thỏa thuận thành lập công ty. Việc này nhằm tránh trường hợp sau khi công ty được thành lập xong, nhưng các bên không thỏa thuận được với nhau về phương thức định giá hay tổ chức định giá hoặc là giá trị của tài sản góp vốn, gây đình trệ hoạt động kinh doanh của công ty.
Doanh nghiệp được tự đưa ra mức vốn điều lệ. Tuy nhiên, không nên đưa ra mức thực tế không có thật vì sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện sổ sách kế toán, các khoản hạch toán, lãi vay… Nếu bị phát hiện doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Pháp Luật.
Đặt tên cho công ty
Tên công ty là thương hiệu riêng có thể mang đến thành công hay thất bại cho công ty. Hiện tại luật pháp cho phép đặt tên cho công ty có thể là tên tiếng Việt, tên tiếng nước ngoài (nếu có), tên viết tắt.
Tên tiếng Việt của công ty cổ phần bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
– Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP”
– Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Khi đặt tên công ty cần kiểm tra tên công ty đã tồn tại hay chưa? Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với công ty khác đã đăng ký trên cùng địa bản tỉnh, thành phố.
Cần xác định địa điểm kinh doanh của công ty
Địa điểm kinh doanh của công ty bao gồm địa điểm trụ sở chính của công ty thành lập và cả địa điểm của các cơ sở kinh doanh của công ty.
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố hoặc Tên xóm, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Mặc dù quy định về đăng ký kinh doanh được áp dụng thống nhất theo Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên trên thực tế, xuất phát từ đặc thù riêng biệt mà ở địa phương có thể có những hạn chế, hoặc những điều kiện nhất định mà công ty ở đó phải tuân theo. Nếu nơi đặt trụ sở chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì phải có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Do vậy, việc kiểm tra xem địa điểm kinh doanh dự kiến có được cơ quan cấp phép địa phương chấp thuận hay không trước khi thương lượng thuê nhà cũng là một việc rất quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu tâm trước khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Hợp đồng hoặc thỏa thuận thành lập công ty cổ phần
Hợp đồng hoặc thỏa thuận thành lập công ty là hết sức quan trọng và cần thiết đối với công ty cổ phần do có nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy vậy hiện nay, chỉ đối với loại hình liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thì hợp đồng liên doanh mới được yêu cầu phải có trong hồ sơ đăng ký kinh doanh mà thôi.
Tuy nhiên, ngay cả với những trường hợp hồ sơ đăng ký kinh doanh không có yêu cầu thì các nhà đầu tư cũng nên lập hợp đồng hoặc thỏa thuận thành lập công ty để có thể xác định quyền và nghĩa vụ của từng nhà đầu tư, tránh những tranh chấp không đáng có sau này.
Hợp đồng hoặc thỏa thuận này sẽ bao gồm những quyền và nghĩa vụ của từng bên trong quá trình chuẩn bị thành lập công ty cho đến khi bắt đầu tiến hành đăng ký kinh doanh và ở giai đoạn công ty mới thành lập, xử lý các trường hợp công ty không thể thành lập được… hay những vấn đề mà điều lệ mẫu của cơ quan cấp phép của địa phương không quy định (ví dụ như các thỏa thuận chuyển nhượng vốn giữa các thành viên góp vốn, các cổ đông sáng lập trong tương lai; vấn đề bảo mật thông tin giữa các nhà đầu tư; những cam kết riêng lẻ về những vấn đề hợp tác đầu tư giữa các bên trong tương lai…)
Lưu ý khi mở công ty cổ phần - Everestlaw
Lưu ý sau khi thành lập công ty cổ phần
Dưới đây là một số thủ tục cần thực hiện sau khi đăng ký thành lập công ty cổ phần:
1. Công bố nội dung đăng ký kinh doanh
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và buộc phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định.
2. Khắc dấu và đăng ký mẫu dấu
Doanh nghiệp liên hệ khắc dấu và đăng ký mẫu dấu tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Việc sử dụng con dấu khi chưa có Giấy chứng nhận này bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng và bị thu hồi con dấu.
3. Đăng ký thuế
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp GCNĐKKD (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp phải liên hệ cơ quan thuế để đăng ký thuế. Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 2 triệu đồng tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
4. Gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính
Doanh nghiệp phải gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính và tại chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có). Trường hợp không thực hiện, doanh nghiệp bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và buộc phải gắn tên doanh nghiệp theo quy định.
5. Thông báo thời gian mở cửa
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKKD, doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh.
6. Giấy phép con
Đối với những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,… gọi chung là giấy phép con, doanh nghiệp phải xin phép và chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
7. Sổ đăng ký thành viên và sổ đăng ký cổ đông
Doanh nghiệp phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông (đối với công ty cổ phần). Doanh nghiệp không thực hiện bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng và buộc lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định.
Quý khách cần tư vấn thêm về thành lập công ty cổ phần vui lòng liên hệ với chúng tôi!