09
09 công việc cần làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp
- 1501 lượt xem
- 0 bình luận
- 13:45 04/09/2018
Khi mới thành lập, đa số các doanh nghiệp còn băn khoăn không biết làm gì, trình tự như thế nào thì mới có thể chính thức đi vào hoạt động được. Nắm bắt được tâm lý đó, EVERESTLAW trân trọng gửi tới quý khách hàng những công việc cần làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp:
1. Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục để thông báo công khai thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần liên hệ các Ngân hàng thương mại hoặc Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để tiến hành mở tài khoản thanh toán cho doanh nghiệp mình.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không cần thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nữa.
3. Thông báo mẫu con dấu
Doanh nghiệp có quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu của công ty; trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Mỗi công ty có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước. Tức là, công ty có bao nhiêu con dấu cũng được, nhưng tất cả chúng đều phải thống nhất theo một mẫu dấu đã đăng ký.
Công ty phải thực hiện thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở trước khi sử dụng hay khi có thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của công ty.
4. Khai, nộp lệ phí môn bài
Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài khi mới ra hoạt động kinh doanh cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (gọi chung là Đơn vị phụ thuộc) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh; thì, doanh nghiệp thực hiện khai, nộp lệ phí môn bài cho các Đơn vị phụ thuộc đó với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có Đơn vị phụ thuộc kinh doanh ở khác địa phương cấp tỉnh; thì, các Đơn vị phụ thuộc đó tự khai, nộp lệ phí môn bài với Chi cục Thuế quản lý trực tiếp mình.
Doanh nghiệp và Đơn vị phụ thuộc khai lệ phí môn bài một lần khi mới ra hoạt động, kinh doanh, chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
5. Đăng ký tự nguyện áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Có 02 phương pháp tính thuế GTGT là: phương pháp khấu trừ, phương pháp trực tiếp. Doanh nghiệp mới thành lập thì sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh; thì có thể tự nguyện đăng ký áp dụng theo phương pháp khấu trừ.
Và nếu áp dụng phương pháp khấu trừ này thì doanh nghiệp sẽ được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng theo hình thức đặt in hoặc tự in.
6. Thông báo cho cơ quan thuế về việc đặt in hóa đơn lần đầu
Doanh nghiệp mới thành lập nếu đủ điều kiện tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; thì, gửi văn bản Đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in (Mẫu số 3.14 thuộc Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp của mình.
Mẫu hóa đơn là do doanh nghiệp tự thiết kế, nhưng cần đảm bảo có các nội dung như mẫu Hóa đơn giá trị gia tăng (Mẫu 5.1 thuộc Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC).
7. Treo biển hiệu tại trụ sở công ty
Biển hiệu của doanh nghiệp phải được treo ở cổng chính hoặc mặt trước của trụ sở, và phải chứa các thông tin sau:
- Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
- Tên doanh nghiệp theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Địa chỉ, số điện thoại.
Chữ viết thể hiện trên biển hiệu phải là tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
8. Lập sổ đăng ký thành viên/ sổ đăng ký cổ đông, chứng nhận góp vốn theo quy định của Luật doanh nghiệp và thông báo bằng văn bản cho cơ quan Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 15 ngày.
9. Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp có thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thì phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp Quyết định thay đổi các nội dung liên quan.