
03
Hiệu quả trong thu hút đầu tư tại các KCN tỉnh Hưng Yên
- 1137 lượt xem
- 0 bình luận
- 13:00 30/03/2017
Năm 2016, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên đã triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại những KCN trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh tại những KCN trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ cả về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hiệu quả trong thu hút đầu tư tại các KCN tỉnh Hưng Yên
Trong số những dự án đầu tư vào các KCN năm 2016 thì KCN Thăng Long II tiếp nhận 11 dự án; KCN Phố Nối A tiếp nhận 21 dự án, KCN Dệt may Phố Nối tiếp nhận 11 dự án và KCN Minh Đức tiếp nhận 05 dự án.
Những dự án mới tiếp nhận tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện, điện tử có 6 dự án; cơ khí chế tạo có 8 dự án; sản xuất các linh kiện, phụ kiện ô tô, xe máy có 3 dự án, vật liệu xây dựng có 4 dự án; sản xuất, chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có 4 dự án; dệt may và các sản phẩm phụ trợ cho ngành dệt may có 6 dự án; bao bì các loại có 6 dự án và các ngành nghề khác có 11 dự án. Trong đó, có những dự án có vốn đầu tư lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến và có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước ví dụ như: Dự án sản xuất bảng mạch in dùng cho các thiết bị điện tử của nhà đầu tư NIPPON Mektron.,Ltd với tổng vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD; dự án sản xuất máy điều hòa không khí của Công ty Cổ phần Daikin Air Conditioning (Vietnam) có tổng vốn đầu tư đăng ký 82,5 triệu USD; dự án sản xuất tôn mạ màu của Công ty TNHH một thành viên tôn Hòa Phát có tổng vốn đầu tư đăng ký 2.400 tỷ đồng.
Trong số những dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN, có tới 20 dự án do các nhà đầu tư mới thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký 246 triệu USD, 8 dự án do những nhà đầu tư đã đăng ký thực hiện trong KCN sau khi hoàn thành đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 37,6 triệu USD.
Các dự án FDI đến từ 7 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Nhật Bản là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư lớn nhất tới 16 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 247 triệu USD; tiếp theo là Hàn Quốc với 5 dự án, Trung Quốc với 3 dự án, còn lại là các quốc gia Ấn Độ, Campuchia, Ý, Singapore mỗi quốc gia với 01 dự án.
Đến nay, trong những KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn 308 dự án đang thực hiện, gồm 171 dự án FDI và 137 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,788 tỷ USD và 15.827 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê tại các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tới nay là 619 ha, bằng 68% tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của những KCN đang hoạt động. Trong đó, KCN Phố Nối A có 170 dự án đầu tư, gồm 72 dự án FDI và 98 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 818 triệu USD và 13.273 tỷ đồng; KCN Thăng Long II có 77 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.840 triệu USD; KCN Dệt may Phố Nối có 31 dự án đầu tư, trong đó 17 dự án FDI và 14 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 122 triệu USD và 1.256 tỷ đồng; và KCN Minh Đức có 30 dự án đầu tư, trong đó 5 dự án FDI và 25 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,2 triệu USD và 1.298 tỷ đồng.
Chủ đầu tư hạ tầng các KCN Phố Nối A và Dệt may Phố Nối đã nỗ lực tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN trên phần diện tích quy hoạch, đảm bảo đủ mặt bằng sẵn sàng tiếp nhận những dự án đầu tư khác. Trong năm, tại các KCN đã có thêm khoảng 47 ha đất công nghiệp được hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong đó, KCN Phố Nối A khoảng 16,7 ha và KCN Dệt may Phố Nối khoảng 30 ha.
Trong năm qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động tại cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện những thủ tục đầu tư, triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Qua đó, dự án đầu tư tại các KCN nhìn chung đều triển khai nhanh, đúng tiến độ và mục tiêu đăng ký, sử dụng đất hiệu quả.
Năm 2016 đã có thêm 21 dự án đầu tư đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 10 dự án chấm dứt hoạt động và 1 dự án chuyển địa điểm đầu tư ra ngoài KCN. Tổng số dự án đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại KCN trên địa bàn tỉnh tới nay là 250 dự án, chiếm trên 82% tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư thực hiện trong năm 2016 ước đạt khoảng 260 triệu USD và 2.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thực hiện của những dự án FDI đến hết năm 2016 ước đạt 2.380 triệu USD (chiếm 84% tổng vốn đầu tư đăng ký) và các dự án DDI đạt 12.000 tỷ đồng (chiếm 77% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Những dự án đi vào hoạt động tạo giá trị doanh thu ước đạt 4.300 triệu USD, giá trị nhập khẩu là 1.600 triệu USD, giá trị xuất khẩu là 2.000 triệu USD, thu ngân sách nội địa khoảng 1.700 tỷ đồng; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 42.000 lao động.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quy định của pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường (BVMT), quy hoạch, xây dựng,... tiếp tục được tăng cường. Trong năm, Ban Quản lý đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về BVMT trong quá trình hoạt động đối với 13 dự án; phối hợp với những cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT đối với 28 dự án; giám sát việc xây dựng theo quy hoạch, giấy phép xây dựng và công tác BVMT trên 50 lượt dự án trong quá trình thi công xây dựng; duy trì tốt công tác giám sát, đánh giá thường xuyên đối với các dự án đầu tư trong các KCN của tỉnh. Qua kết quả kiểm tra giám sát cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp chấp hành tốt những quy định của pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, BVMT.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, trong năm 2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên tập trung tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển; hỗ trợ chủ đầu tư các KCN tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm được bàn giao đất để triển khai xây dựng hạ tầng; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các tổ chức tư vấn xúc tiến đầu tư vận động thu hút đầu tư vào các KCN. Chú trọng nâng cao chất lượng trong việc thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách.
Đồng thời, Ban Quản lý tiếp tục duy trì và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung triển khai ứng dụng có hiệu quả phần mềm cung cấp dịch vụ công của Ban, trong đó cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư/doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.