08
Doanh nghiệp mới thành lập phải đóng những loại thuế nào?
- 1486 lượt xem
- 0 bình luận
- 14:46 30/08/2018
Khi mới thành lập doanh nghiệp và xuyên suốt trong quá trình hoạt động, thuế là một nghĩa vụ quan trọng mà doanh nghiệp phải thực hiện. Tuy nhiên, chưa phải tất cả các doanh nghiệp đều có hiểu biết đầy đủ và chính xác về các loại thuế và nghĩa vụ về thuế của mình. Do đó, bài viết sau đây xin được đưa ra một số thông tin khái quát về các loại thuế mà doanh nghiệp phải đóng trong một năm.
Các loại thuế doanh nghiệp mới thành lập phải nộp
1. Lệ phí môn bài
Hằng năm, chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai, nộp lệ phí môn bài cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.
Mức thu lệ phí môn bài của doanh nghiệp được căn cứ theo vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng | 3,000,000 đồng/năm |
Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống | 2,000,000 đồng/năm |
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh | 1,000,000 đồng/năm |
2. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Hiện nay, có 02 phương pháp tính thuế GTGT đó là phương pháp tính thuế trực tiếp và phương pháp tính thuế theo phương pháp khấu trừ. Theo đó, hồ sơ khai thuế sẽ khác nhau đối với từng phương pháp.
Thời gian nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế:
| Khai thuế theo tháng | Khai thuế theo Quý | Khai thuế theo từng lần phát sinh |
Thời hạn nộp chậm nhất | Ngày 20 của tháng sau. | Ngày 30 của tháng đầu tiên quý sau. | Ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai thuế. |
3. Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Hàng quý, chậm nhất là vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp phải thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý đó, chứ không phải nộp tờ khai thuế.
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN | = | (Thu nhập tính thuế | - | Phần trích lập quỹ KH&CN(nếu có)) | x | Thuế suất thuế TNDN |
Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp gồm:
+ Thuế suất 20%;
+ Thuế suất từ 32% đến 50%;
+ Thuế suất 40%;
+ Thuế suất 50%;
- Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính (đối với các doanh nghiệp lựa chọn kỳ kế toán khác năm dương lịch), doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là TNDN) đến Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.
4. Thuế thu nhập cá nhân
- Khai, nộp thuế thu nhập cá nhân
Doanh nghiệp trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân cho người lao động có trách nhiệm thực hiện khai, nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý hoặc theo từng lần phát sinh thay cho người lao động đó.
Nếu trong tháng (đối với khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với khai theo quý) không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không phải kê khai tháng hoặc quý đó.
- Quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (năm tính thuế), doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân dù phát sinh hay không phát sinh khấu trừ thuế trong năm và quyết thay cho các cá nhân có ủy quyền.
Trường hợp doanh nghiệp không phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công trong thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là TNCN).
Ngoài ra, tùy vào lĩnh vực, ngành nghề, hàng hóa doanh nghiệp kinh doanh mà doanh nghiệp phải nộp thêm các loại thuế khác nhau như: Thuế tiêu thụ đặc biết; Thuế tài nguyên; Thuế sử dụng đất; Thuế xuất khẩu; Thuế nhập khẩu; Phí, lệ phí khác,…
Xem thêm: Khoản chi được trừ & không được trừ khi tính thuế TNDN 2018