04
Chính sách thuế, kế toán, kiểm toán có hiệu lực từ tháng 5/2018
- 996 lượt xem
- 0 bình luận
- 14:34 24/04/2018
Trong tháng 5/2018, nhiều chính sách mới về thuế, kế toán, kiểm toán bắt đầu có hiệu lực thi hành. Sau đây, EVERESTLAW điểm qua một số nội dung mới của các chính sách này.
1. Tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/5/2018 ) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập và thay thế Nghị định 105/2013/NĐ-CP.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là:
- 50.000.000 đồng đối với cá nhân (tăng 20.000.000 đồng);
- 100.000.000 đồng đối với tổ chức (tăng 40.000.000 đồng).
Xem chi tiết mức xử phạt đối với từng hành vi tại Chương II Nghị định này, trong đó:
- Mức phạt tiền quy định tại Khoản 1 Điều 7; 8; 9; 10; 11; 13; 14; 15; 16; 17; 19; Khoản 1, 3 Điều 21; 22; Điều 23; 24; 26; 33; 34; Khoản 1, 3 Điều 36; Khoản 1 Điều 38; Khoản 2, 3 Điều 39; Khoản 1, 2 Điều 48; Khoản 1 Điều 57; Khoản 1, 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Trừ các trường hợp trên, mức phạt tiền quy định tại Chương này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
2. Quy định về phụ cấp trách nhiệm đối với kế toán trưởng cơ quan nhà nước
Thông tư 04/2018/TT-BNV về thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, thay thế và phụ cấp trách nhiệm của kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5/2018.
Theo đó, người được bổ nhiệm kế toán trưởng ở các đơn vị sau đây được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm hằng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở:
- Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan);
- Cơ quan nhà nước;
- Đơn vị sự nghiệp công lập;
- Tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;
- Các tổ chức được Nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo Mục tiêu chính trị xã hội.
Đối với các đơn vị sau, người được bổ nhiệm kế toán trưởng được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm theo quyết định của cấp có thẩm quyền:
- Ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập;
- Cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
3. Hướng dẫn mới về khoản chi không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 25/2018/TT-BTC (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018) hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về các khoản chi được trừ, không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể:
- Bổ sung thêm các khoản trích khấu hao tài sản cố định không được trừ đối với trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng (một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp).
- Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt định mức quy định hoặc không ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hồ sơ sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
- Tăng mức chi được trừ khi tính thuế TNDN đối với các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động,… lên tối đa 03 triệu đồng/tháng/người; nhưng phải đảm bảo yêu cầu sau:
+ Được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
+ Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về nghĩa vụ bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).
4. Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước ASEAN
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 04/2018/TT-BCT bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5/2018.
Theo đó, không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với các mặt hàng muối và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước ASEAN; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu D theo quy định của pháp luật hiện hành. Mã số hàng hóa của mặt hàng muối và trứng gia cầm quy định cụ thể như sau:
- Trứng gà (mã số 0407.21.00 và 0407.90.10); trứng vịt, ngan (mã số 0407.29.10 và 0407.90.20); loại khác (mã số 0407.29.90 và 0407.90.90) (Ghi chú: Trứng thương phẩm không có phôi).
- Muối (mã số 2501).
Đồng thời, việc nhập khẩu muối và trứng gia cầm từ các nước ASEAN không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật về việc công bố lượng hạn ngạch thuế quan và quy định nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan muối và trứng gia cầm hàng năm.
Xem thêm: Chính sách đầu tư, ngân hàng chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2018