Xuất phát từ một số nguyên nhân như chiến lược kinh doanh bị thay đổi, nhu cầu ban quản trị của công ty thay đổi, chủ sở hữu doanh nghiệp phát sinh mâu thuẫn hoặc không thể tiếp tục tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, số lượng thành viên công ty không còn đủ giới hạn tối thiểu... và đôi khi chúng là việc làm cần thiết để thúc đẩy doanh nghiệp đi lên...chính bởi những vấn đề đó dẫn tới việc tổ chức lại doanh nghiệp để phù hợp với hoạt động kinh doanh thực tế. Để thuận tiện hơn cho doanh nghiệp khi tìm hiểu về vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp, Everestlaw cung cấp những quy định pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp cho khách hàng tiện theo dõi.
Quy định pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp
1. Đối tượng được áp dụng
Theo quy định trong Luật Doanh nghiệp, công ty TNHH và công ty cổ phần có thể được tổ chức lại doanh nghiệp theo một trong các hình thức như chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập. Và hình thức chuyển đổi doanh nghiệp từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác được áp dụng cả đối với những doanh nghiệp tư nhân (như chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH).
2. Hệ quả pháp lý của tổ chức lại doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp bị chia tách, hợp nhất hay chuyển đổi thì sẽ chấm dứt tồn tại tính từ thời điểm doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, khi tách một doanh nghiệp sẽ không làm chấm dứt hoạt động của công ty bị tách.
Lưu ý đối với các doanh nghiệp, việc sáp nhập dẫn tới doanh nghiệp có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan sẽ bị nghiêm cấm, trừ một số trường hợp pháp luật về cạnh tranh có quy định khác. Đối với trường hợp doanh nghiệp sau khi nhận sáp nhập có thị phần từ 30% - 50% thì đại điện hợp pháp của doanh nghiệp phải thông báo tới cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành việc sáp nhập, trừ trường hợp pháp luậtm có quy định khác.
3. Thẩm quyền quyết định tổ chức lại doanh nghiệp
Thẩm quyền quyết định về việc tổ chức lại doanh nghiệp thuộc về chủ sở hữu doanh nghiệp, hội đồng thành viên đối với công ty TNHH và Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
4. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tổ chức lại
Đối với những doanh nghiệp mới thành lập từ doanh nghiệp bị chia tách, hợp nhất hay chuyển đổi được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, phải chịu trách nhiệm hay liên đới chịu trách nhiệm về những khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động cũng như nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp cũ. Còn đối với hình thức tách hay sáp nhập doanh nghiệp, cả những doanh nghiệp mới thành lập từ việc tổ chức lại và doanh nghiệp cũ đều có quyền và nghĩa vụ như trên. Cụ thể:
Nghĩa vụ đối với người lao động: Căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động, đối với trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, người sử dụng lao động kế tiếp chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng cũng như thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Trường hợp bắt buộc phải cho người lao động nghỉ việc thì phải thanh toán trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Nghĩa vụ đối với cơ quan quản lý thuế: Khi thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp phải thực hiện việc quyết toán thuế với cơ quan thuế tính đến thời điểm có quyết định tổ chức lại của cơ quan có thẩm quyền và phải có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cùng thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế. Trong trường hợp có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT nếu doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế.
Để việc tổ chức lại doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cao nhất của doanh nghiệp, quý khách hãy liên hệ tới Hotline của Everestlaw để được tư vấn và trợ giúp pháp lý tốt nhất.