Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh sẽ không rà soát toàn bộ các luật liên quan mà chỉ tập trung vào những quy định chưa hợp lý, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết như trên tại hội thảo góp ý Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh, tổ chức ngày 4-10 ở TP HCM.
Theo các chuyên gia, sau hơn 1 năm triển khai, Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Các thủ tục cấp phép xây dựng và đăng ký sử dụng đất đã bị chững lại, theo kết quả thống kê từ Bộ Chỉ số kinh doanh Việt Nam của Ngân hàng Thế giới. Bởi lẽ, các thủ tục đầu tư, kinh doanh đang được quy định rải rác tại một số luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Quy trình đầu tư, kinh doanh cũng đang gây khó khăn, trở ngại cho cả cơ quan nhà nước lẫn cộng đồng DN, làm cản trở sự phát triển và việc thực thi các luật này.
Xem thêm:
- Mạnh tay loại bỏ một số giấy phép con
- Hàng loạt Công ty xuất khẩu lao động bị thanh tra và rút giấy phép
Đơn cử, quy định về thẩm định nhu cầu, điều kiện giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thể hiện trong Luật Đầu tư lẫn Luật Đất đai nên cả Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) các tỉnh, TP đều thực hiện giống nhau, dẫn đến tình trạng trùng lắp quản lý. Đại diện Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết vì quy định này mà rất nhiều nhà đầu tư phải “chạy đi chạy lại” giữa 2 sở, tốn kém thời gian, chi phí.
“Có những dự án, một tuần Sở TN-MT phải dành 2 ngày để họp thông qua quy định nêu trên, sau đó Sở KH-ĐT cũng làm lại y chang. Nên chăng cần giao hẳn công tác thẩm định nhu cầu, điều kiện giao đất, thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho Sở KH-ĐT thực hiện?” - đại diện Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị.
Liên quan đến chuyển nhượng dự án, theo nhiều chuyên gia, xu hướng mua bán, sáp nhập của DN Việt Nam ngày càng phổ biến, trong đó có mua bán, chuyển nhượng dự án nhưng thực tế, quá trình thực hiện của DN lại quá ngặt nghèo và quy định chồng chéo giữa các luật. Chẳng hạn, Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án nhưng Luật Đất đai lại không có quy định này. Từ đó phát sinh hiện tượng nhà đầu tư lách luật bằng cách góp vốn để thực hiện chuyển quyền sử dụng đất gắn với dự án đầu tư…
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng điều kiện chuyển nhượng dự án hiện quá khó khăn đã làm giảm cơ hội đối với các đối tác có khả năng triển khai tiếp dự án. Hiện nay, có tới 4 luật: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản cùng có quy định liên quan đến chuyển nhượng dự án. Nhiều trường hợp nhà đầu tư muốn chuyển nhượng dự án nhằm tăng nguồn vốn đầu tư nhưng không thể bảo đảm được các điều kiện và thời gian để được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trước những vướng mắc trên, ông Phan Đức Hiếu cho biết cách tiếp cận sửa luật lần này khác với việc xây dựng từng đạo luật riêng lẻ, khi Chính phủ nhìn vào thực tế đầu tư kinh doanh của DN, đối chiếu với các luật hiện hành để tìm ra sự chồng chéo rồi sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi nhất cho DN. Mục tiêu lớn nhất là xóa bỏ những quy định trùng lắp, giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.
“Ban soạn thảo sẽ không rà soát toàn bộ các luật liên quan mà chỉ tập trung vào những quy định chưa hợp lý, gây khó khăn cho DN. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng được xem xét bãi bỏ hoặc tăng thêm tùy theo yêu cầu của quản lý và thị trường” - ông Hiếu khẳng định.