03
Hình thức tổ chức lại doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2014
- 1221 lượt xem
- 0 bình luận
- 15:45 16/03/2017
Tổ chức lại doanh nghiệp là biện pháp nhằm thay đổi quy mô kinh doanh hay loại hình công ty, theo quyết định của chủ doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công ty. Hình thức tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm việc chia, tách, hợp nhất, sát nhập và chuyển đổi loại hình được quy định cụ thể trong Luật doanh nghiệp 2014.
Hình thức tổ chức lại doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2014
1. Chia doanh nghiệp
Đối tượng áp dụng: là loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần. Doanh nghiệp có thể được chia thành một số những doanh nghiệp cùng loại. Việc chia doanh nghiệp nhằm giảm quy mô công ty nhưng lại tăng số lượng công ty. Số lượng các thành viên, cổ đông và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông và vốn điều lệ của những công ty mới sẽ được ghi tương ứng với phương thức phân chia, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị chia sang những công ty mới tương ứng
Hậu quả pháp lý đối với việc chia doanh nghiệp: Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi những công ty mới được cấp Giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới được chia phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về những khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng cũng như người lao động để một trong số những công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.
2. Tách doanh nghiệp
Đối tượng áp dụng: là loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần. Công ty TNHH, công ty cổ phần được quyền tách doanh nghiệp bằng cách chuyển một phần tài sản của công ty hiện có (công ty bị tách) để thành lập một hoặc nhiều công ty mới (công ty được tách); chuyển toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hay một số thành viên, cổ đông cùng với số tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của những người đó được chuyển sang cho những công ty mới; hoặc có thể kết hợp cả 2 hình thức trên.
Hậu quả pháp lý: Công ty bị tách phải tiến hành đăng ký thay đổi vốn điều lệ và số lượng thành viên tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên giảm xuống đồng thời với đăng ký doanh nghiệp các công ty mới. Sau khi đăng ký doanh nghiệp mới, công ty bị tách và công ty được tách cùng liên đới chịu trách nhiệm về những khoản nợ chưa thanh toán, những hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ những trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có những thỏa thuận khác.
3. Hợp nhất doanh nghiệp
Đối tượng áp dụng: Loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Hai hay một số công ty (công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành 1 công ty mới (công ty hợp nhất) bằng cách chuyển hết tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang cho công ty hợp nhất.
Hậu quả pháp lý: Sau khi đăng ký doanh nghiệp, những công ty bị hợp nhất chấm dứt sự tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và những nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất.
4. Sáp nhập doanh nghiệp
Đối tượng áp dụng: Loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Một hay một số công ty (công ty sáp nhập) có thể sáp nhập vào 1 công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển hết tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập và chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Hậu quả pháp lý: Sau khi đăng ký doanh nghiệp mới, công ty bị sáp nhập chấm dứt sự tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, những hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.
5. Chuyển đổi loại hình công ty
Đối tượng áp dụng: Đối với loại hình công ty TNHH có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần và ngược lại; đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH.
Hậu quả pháp lý: Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty được chuyển đổi chấm dứt sự tồn tại; công ty chuyển đổi được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về những khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ đói với tài sản khác của công ty được chuyển đổi.
Để lựa chọn được phương thức hình tổ thức lại doanh nghiệp sao cho phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay và đảm bảo lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, Everestlaw sẽ tư vấn cụ thể cho quý khách hàng về loại hình thay đổi này.